Tượng chú Tễu và múa rối nước
Chẳng mấy liên quan nhưng hình ảnh nhấp nhô mũ cối, nón lá ở chợ người lao động cứ theo đuổi tôi mỗi khi hình dung ra hàng hàng con rối gỗ bày bán ở các quầy hàng thủ công mỹ nghệ. Con nào cũng sướt sát như đã qua nhiều trận thuỷ chiến trên sân khấu rối nước. Người nông dân đã phải bỏ ruộng đồng đi kiếm sống lang bạt nơi phồn hoa đô hội, các chú Tễu nhà ta phải nghiêm trang mỉm cười sau các tủ kính thì cũng không phải gì ghê gớm. Nhưng, nền kinh tế thị trường và cả cái khẩu hiệu phát huy truyền thống, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc… làm cho tôi áy náy. Có phải cứ lôi tuột mấy con rối của các Thuỷ đình nơi thôn quê lên diễn trong một “cung điện” nguy nga như Nhà hát múa rối Thăng Long, chủ yếu phục vụ khách du lịch ngoại quốc là khuyếch trương được quốc hồn quốc tuý ? Là linh hồn của đồng ruộng Việt Nam suốt bao thế kỷ, là biểu tượng chinh phục thiên tai của cư dân trồng lúa nước, nghệ thuật độc nhất vô nhị của chúng ta: “Múa rối nước” sẽ chỉ còn là cái xác không hồn khi không được trả về với đồng ruộng. Rối nước là nghệ thuật dân gian, các diễn viên điều khiển con rối, những nghệ nhân làm ra con rối đều là nông dân và họ gửi gắm vào đó bao mơ ước, bao điều giản dị để làm nên một không khí hội hè đình đám của thôn quê.
Bạn đang xem: Khanhhoathuynga's collection Blog – An Asian art info blog
Ra đời từ trong kinh nghiệm đối phó với thiên nhiên hung dữ, dần dà, các con rối nước đã hội tụ được những tinh hoa nhất của nghệ thuật dân gian Việt Nam: Nghệ thuật điêu khắc dân gian; Nghệ thuật sơn truyền thống; Nghệ thuật sáng tác các tích trò; Nghệ thuật âm nhạc dân gian và đặc biệt, ở đây xuất hiện vai trò của kỹ thuật dân gian. Một con rối muốn cử động được cần phải điêu khắc làm nhiều bộ phận rời, sau đó lắp máy rối. Máy rối ở đây có hai dạng: máy dây và máy sào. Tất cả các bộ phận máy điều khiển con rối đều được giấu kín dưới mặt nước. Thật là “bảy nổi ba chìm với nước non…” Sự thô vụng cứng nhắc của các con rối gỗ được dung hoà một cách tuyệt vời với màn nước mềm mại, phản quang lung linh. Khác hẳn với các nghệ thuật sân khấu truyền thống khác, người điểu khiển rối thay vì tự thể hiện thần thái, tâm trạng của mình, phải thể hiện được tất cả những điều đó bằng nét mặt cố định của con rối gỗ. Điều đó cho thấy, sáng tạo nghệ thuật dân gian của chúng ta đòi hỏi một trí tưởng tượng tuyệt vời.
Quân rối là đơn vị nghệ thuật quan trọng nhất trong trò rối nước. Không có con rối thì không thể có trò rối. Con rối lại được chế tạo từ một loại gỗ đặc biệt là gỗ Sung. Gỗ Sung được cắt khúc, chia tỷ lệ để có thể gọt đẽo một con rối theo dạng khối. Khi còn tươi gỗ Sung rất nhiều nhựa, rất mềm để gọt đẽo, chạm khắc. Người nghệ nhân sau khi đẽo con rối thô phải phơi hàng mấy tháng trời cho khúc gỗ khô, cứng dần lại. Khi khô rồi, gỗ trở nên xốp, nhẹ có thể nổi trên mặt nước một cách dễ dàng(cũng chính vì đặc điểm này mà các chiến binh xưa thường hay dùng gỗ Sung để làm Mộc khi ra chiến trận). Bấy giờ người nghệ nhân mới hoàn thành nốt công đoạn chạm khắc tinh vi ra nét mặt của con rối. Công đoạn này gọi là làm tinh. Riêng quá trình sơn phết bằng sơn ta cũng mắt dăm bảy lần và chờ đợi cho sơn ăn chắc vào gỗ. Sau đó, người ta mới trang điểm mắt mũi, vẽ áo quần cho các con rối. Vì phải ngâm dưới nước khi biểu diễn nên các con rối hay bị mục, bị sướt sát. Ở các phường rối thôn quê, sau khi diễn trò xong, các cụ lại gác con rối lên xà nhà hay cất trên cao, đến dịp lại dỡ xuống sửa sang để biểu diễn. Chính vì vậy mà các con rối không thể gìn giữ đời này qua đời khác được. Con rối cổ nhất cũng ước chừng chỉ vài chục năm.
Mặc dù từ thế kỷ XII, đã có bia về nghề rối ở Chùa Đọi, Hà Nam nhưng trên thực tế, rối nước chưa vượt quá được sông Lam, Nghệ An. Là tinh tuý của đồng bằng và trung du Bắc bộ nhưng đến mãi năm 1984, rối nước mới chính thức được nhà nước công nhận như một ngành nghệ thuật. Thế nhưng công nhận là một chuyện, tìm hiểu nghiêm túc về nghệ thuật múa rối nước lại là một chuyện khác! Ngay cả cố bộ trưởng Hoàng Minh Giám ngày trước khi xem múa rối nước xong cũng còn băn khoăn: “Không biết có cách nào cải tiến không, chứ cứ cởi truồng lội nước thế này thì … ” Tất nhiên là vì băn khoăn nên mọi người đều hợp lực sáng tác những vở rối có anh bộ đội, có chị dân quân… nhưng thế là rối đã chết một lần.
Nếu như Xẩm chỉ sống được ở đời sống “đầu đường xó chợ” thì rối cũng chỉ sống được ở ao làng, nói chuyện dân dã…Năm 1986, lần đầu tiên có một đoàn các nghệ nhân của hai Phường rối lớn nhất Việt Nam toàn các bô lão sang Paris biểu diễn. Nghệ thuật múa rối nước Việt nam như một quả nổ gây chấn động sân khấu châu Âu vì sự độc đáo, lạ lẫm. Báo chí nước ngoài bùng lên một cơn sốt rối nước. Các chuyên gia tới tấp xin sang nghiên cứu, học hỏi, các đoàn rối được mời đi biểu diễn nước ngoài…Bỗng chốc, rối nước trở thành một sứ giả nghệ thuật độc đáo nhất của Việt Nam trên trường quốc tế. Các cụ già nhà ta thấy mấy con rỗi cũ sắp mục mà được trả giá đến hàng trăm đô la thì tháo cả máy, chặt cả sào, cả dây để bán. Thùng đạo cụ khi về nước đầy chặt máy khâu, vải vóc. Một phép tính đơn giản: một con rối như thế ở nhà chỉ bằng mấy mét vải! Kết quả là hàng vài ba năm sau mới thu thập, chế tạo lại dược những mẫu rỗi cổ truyền của dân tộc. Chuyện các nghệ nhân, rồi cả diễn viên chuyên nghiệp bán rối còn xảy ra nhiều lần sau này, nhưng cũng may là lúc đó người ta đã cất giữ được mẫu rối. Nhà hát Múa rối Trung ương, rối nhiều đoàn rối khác bắt đầu thành lập. Nhìn thấy cơ hội xuất ngoại, khả năng phát triển đối ngoại của rối, họ đã không để lỡ. Rối đã chết lần thứ hai khi bây giờ chỉ còn lại 18 trò tiêu biểu của các phường rối được tinh lọc trong một chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Không còn ai nghĩ đến chuyện phát triển, tái tạo lại rối ở thôn quê nữa, rối nước lâm vào cảnh “Bao năm vẫn bấy nhiêu trò”. Thế hệ con cháu thì mê ti vi hơn là đi xem rối. Nghề làm con rối cũng đã mai một. Hiện nay, duy nhất chỉ còn một tốp thợ làm rối ở xóm Rạch, Hà Nam là thỉnh thoảng còn mang các con rối thô lên Hà nội cho các đoàn rối. Các phường rối khác cũng không tự làm con rối mà đi mua lại để diễn phục vụ khách du lịch nước ngoài cao hứng muốn về tận đồng ruộng thưởng thức. Hoặc giả thỉnh thoảng có phường, có hội mùa xuân…Rối nước lại đang chết thêm một lần nữa. Ai, nếu như không phải chính người Việt Nam chúng ta tìm ra cách hồi sinh cho rối nước? Mới đây nhất người ta có đưa biểu tượng chú Tễu của múa rối nước để lựa chọn linh vật cho Seagame 22. Điều đó là một an ủi nhẹ nhàng giống như những chú Tễu đang mỉm cười ngây ngô sau tủ kính của các quầy hàng thủ công mỹ nghệ dọc các phố cổ sầm uất của Hà nội. Những chú Tễu không phải làm bằng gỗ Sung nên thả xuống nước chắc chắn sẽ chìm nghỉm!
Phan Huyền Thư
(Hà Nội)
Xem thêm : Xin lỗi vì đã yêu em
Đôi nét về loại hình nghệ thuật dân gian: múa rối nước
Múa rối nước là một sáng tạo văn hoá độc đáo của cư dân trồng lúa nước vùng châu thổ Sông Hồng. Ngày chào đời của di sản văn hoá truyền thống dân tộc lâu đời này còn nằm trong huyền sử. Theo các nguồn tài liệu, múa rối nước được ra đời từ khá sớm. Các chính sách ở hai triều đại Lý Trần có điều kiện hết sức thuận lợi cho các loại hình nghệ thuật phát triển, trong đó có rối nước. Trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi (Hà Nam) ghi lại cho chúng ta biết năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 đời vua Lý Thần Tông (1072- 1128), trò rối nước đã có mặt trên Sông Hồng trước điện báu Linh Quang. Từ Triều Lê cho đến Triều Nguyễn, về cơ bản chế độ chính trị của chúng ta theo hệ tư tưởng Nho giáo và mô hình nhà nước kiểu Trung Hoa. Điều đó, đã vô tình đẩy các nghệ thuật nói chung chuyển theo một chiều hướng khác. Các nghệ thuật mang tính diễn xướng đều bị cấm phát triển hoặc bị hạn chế bởi những định kiến xã hội. Do triều đình, quan lại địa phương không sẵn sàng ủng hộ, coi nhẹ những môn nghệ thuật diễn xướng nên múa rối nước mất đi chỗ dựa chính thống và gần như nó không tồn tại trong cuộc sống tầng lớp trên. Tuy nhiên, dưới sự bao bọc và dung dưỡng của dân gian, rối nước đã phát triển mạnh mẽ ở các làng quê và nó tồn tại dưới hình thức phường hội. Cũng chính vì thế, rối nước có một quá trình không đồng nhất và nó mang nhiều sắc thái của mỗi địa phương hay từng vùng miền. Sự đa dạng về phong cách, khác nhau chất liệu thể hiện, hay khác nhau về đặc trưng vùng miền nhưng lại có chung một một nền tảng văn hóa dân tộc.
Cảnh quan của làng quê Việt với những cánh đồng lúa mênh mông, cùng chen lẫn là những đầm, hồ, sông, ngòi, ao, chuôm… là điều kiện cho múa rối nước có thể tồn tại và phát triển trong lòng dân tộc – nhân dân từ ngàn đời xưa.
Múa rối nước phản ánh tinh tế cuộc sống đời thường, gắn liền với những biến cố lịch sử của một dân tộc yêu tự do, hòa bình, không chịu khuất phục trước kẻ thù, của một dân tộc đã bao lần đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập và sự bình yên cho đất nước. Bao thế hệ cha ông, những người nông dân chân lấm tay bùn mang tâm hồn nghệ sĩ đã coi múa rối nước là niềm tự hào, sự mê say để cha truyền con nối. Họ đã đem lòng tâm huyết, đôi bàn tay khéo léo làm ra những con rối, tự biểu diễn chúng trên sân khấu lấp lánh của nước.
Rối nước là sản phẩm của tư duy nông nghiệp với các hoạt động sống gắn liền với điều kiện thiên nhiên nóng ẩm, mưa nhiều và địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc. Đến với sân khấu rối nước, khán giả có dịp được chiêm ngưỡng một sự hòa quyện độc đáo giữa con người, thiên nhiên và nghệ thuật. Với cảnh sắc thiên nhiên hài hòa thơ mộng, với đất, nước, mây, gió, lửa, sương mờ như khói lam chiều lan toả trên mặt nước, trên những mái đình ngói đỏ cong vút và những con rối, những tác phẩm nghệ thuật, múa rối nước thật sự đã làm nên một điều kì diệu.
Các con rối được làm bằng gỗ nhẹ, sơn son thếp vàng rực rỡ, có bánh lái, phao đế và được điều khiển từ trong buồng trò bằng các bộ máy dây, máy sào, khi ra sân khấu đã hoàn toàn “nhập vai diễn”, sống cuộc sống của con người, cũng ca hát, nhảy múa, than khóc, đấu tranh và khát khao kiếm tìm hạnh phúc.
Qua những con rối tự tạo tác và tự diễn xướng, các trò rối phản ánh tâm hồn, ý tưởng, quan niệm, ước vọng của những người nông dân về cuộc sống lao động hằng ngày. Chúng ta có thể bắt gặp các trò Chăn vịt, Đánh cáo, Xay lúa, giã gạo,… cùng các trò vui chơi giải trí Bơi lội, đấu vật, chọi gà, chọi trâu,… bên cạnh các trò nêu gương anh hùng dân tộc Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… hay các trò mang nghi thức tôn giáo Tô tượng đúc chuông, Vinh quy bái tổ…
Dùng nước làm sân khấu cho quân rối hoạt động là một đặc điểm độc đáo của nghệ thuật rối nước. Nước không chỉ là nơi nhân vật làm trò, đóng kịch mà còn là yếu tố cộng sinh, cộng hưởng, cộng minh. Mặt nước là sân khấu kết hợp với lửa như một tấm gương in hình bóng tương phản của các con rối. Nước vừa cản trở, vừa hỗ trợ, phối hợp, làm lung linh mềm mại, uyển chuyển làm biến hóa khôn lường màu sắc và hình khối của con rối. Trên “chiếc gương lỏng” này, những gì là khô cứng, nghèo nàn lại trở nên duyên dáng, phong phú, biến hoá một cách kỳ ảo. Nước giấu trong lòng mọi bí ẩn của trò rối. Nhân vật thoắt ẩn, thoắt hiện cùng với con bóng của mình điệp trùng trên sóng nước. Những tiếng trống, tiếng pháo “chói tai”, âm vang qua nước và khoảng không thoáng rộng cũng trở nên dịu dàng, dễ nghe hơn. Các con rối hoạt động trên mặt nước nửa như bí ẩn, nửa như phơi bày. Nước và lửa hòa quyện vào nhau tạo nên cặp đôi chỉnh thể giữa tiếng cười hài hước với nước mắt bi ai; giữa lịch sử – quá khứ với hiện tại; giữa thiên nhiên với xã hội; giữa cổ tích và thực tế… trong sân khấu rối nước.
Đây là thành quả văn hóa nảy sinh từ sự thích nghi với môi trường thiên nhiên trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Xem thêm : Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người tiêu dùng có trình độ tiếng Anh hạn chế
Múa Rối Nước là nghệ thuật của hội hè làng xóm, là sáng tạo bí truyền của từng phường, từng hội, từng nghệ nhân – chứa đựng và lưu giữ nhiều hoạt động xã hội, nhiều truyền thống dân gian, nhiều kỹ thuật nhân dân thô sơ, nhiều nghệ thuật và sinh hoạt tinh thần vật chất của nhân dân Việt Nam. Sân khấu múa rối nước trình bày những cảnh đời thường ngày, những sinh hoạt dung dị đến ngạc nhiên. Nó cắt nghĩa rõ ràng khả năng và tài năng của một dân tộc sinh sống bằng nghề trồng cây lúa nước. Này đây: cha cầy, mẹ cấy, em bé chăn trâu, anh chị quăng chài, chăn vịt, thả cá, cả làng vui hội vui hè, đấu vật, rước thánh, rước thần, hát chèo, hát tuồng, đánh đu, đua thuyền, thi bơi, múa lân, múa rồng, múa tiên, đua ngựa, đấu kiếm… tính hoành tráng, vĩ đại của dân tộc, của lịch sử đất nước như được thu gọn trong sân khấu nhỏ bé này.
Người sáng tạo và duy trì nghệ thuật múa rối nước từ hàng nghìn năm nay là người làm ruộng, sống với nước từ khi còn trong bụng mẹ, gắn bó với nước chặt chẽ, ân tình “sống ngâm da, chết ngâm xương”. Ngâm bùn lội nước là cuộc sống thường ngày. Biểu diễn rối nước với họ là niềm thích thú được tham gia sáng tạo. Nghệ nhân rối nước đều là người đứng tuối, đã lăn lộn với đồng nước, với con trâu cái cầy. Trò rối nước vốn không xuất phát từ nghệ thuật ngôn từ nên lời ca giọng hát chỉ làm phụ trợ. Việc làm rối nước chỉ là chơi “trò văn nghệ” lý tưởng say mê và tự hào của họ.
Vì múa rối nước là một sinh hoạt vǎn hoá xóm làng, của nông thôn Việt Nam nên được bà con trân trọng, quí mến, nuôi dưỡng, giữ gìn và phát triển. Họ luôn dành cho các hoạt động của phường mọi sự giúp đỡ, từ nắm lạt, sợi thừng, cây tre, tấm ván, lá cót, mảnh phên… để dựng buồng trò, đến cây sung tạc quân, cái sào điều khiển, chiếc thúng chuyên chở… khi biểu diễn. Ngoài ra, tuỳ theo khả năng những người có chữ nghĩa, có tay nghề thủ công… còn tham gia vào sáng tác lời giáo, chế tác quân máy, quyên góp tiền bạc, mua sắm trang thiết bị… do đó có phường số thành viên đông tới bảy tám chục người trong khi lượng người biểu diễn cần thiết thường chỉ đến hai chục người là tối đa.
Làng xóm đều tự hào vì có phường hội rối nước nên xưa tên phường đều mang tên nôm na của làng xóm như: phường Tăng, phường Tuộc, phường Nguyễn, phường Đống (Thái Bình), phường Rạch (Nam Định), phường Bò (Hải Dương)… phường Tây trong (xóm), Tây ngoài (xóm), Bắc Lạng (xóm) thuộc làng Nguyễn, huyện Tiên Hưng… Dân làng cũng dành cho phường hội rối nước nơi ǎn chốn ngồi trong đám thứ nơi đình trung như các phường hội khác. Ta còn nghe câu phương ngôn xưa của vùng chiêm trũng huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây: “Mõ Miêng, chiêng Khê, trống Già Cầu, lệnh Cửa ải, trải Neo, chèo Bối, rối Lường” để lưu truyền về những nhạc cụ, trò đua, trò diễn có tiếng trong vùng.
Trải qua hàng ngàn năm, nghệ thuật rối nước của người Việt đã tạo dựng cho mình một diện mạo riêng biệt với bề dày lịch sử quật cường trong đấu tranh giữ nước và sáng tạo trong lao động. Vượt lên những thăng trầm của lịch sử, múa rối nước của người dân Việt vẫn sống và tồn tại với thời gian. Nó như là một minh chứng thuyết phục cho bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tễu:
Tễu là người biểu diễn thông minh, khoẻ mạnh, luôn vui vẻ, hóm hỉnh. Chú là một nhân vật tưởng tượng từ thượng giới xuống gỡ những rắc rối của trần gian, của những trò rối. Tễu xuất hiện, hát giới thiệu chương trình.
MỤC LỤC – HỘI HỌA & ĐIÊU KHẮC
Read Full Post »
Nguồn: https://ppe.edu.vn
Danh mục: Blog