Chào các bạn, Rất nhiều người có bằng cấp cao nhưng lại rất ngớ ngẩn. Điều này có thể thấy rõ ràng nhất trong các môn học về liên hệ con người—triết học, chính trị học, kinh tế học, xã hội học… Rất dễ cho bạn gặp một người có tiến sĩ chính trị học, chẳng hạn, nói về chính trị nước nhà như người từ trên mặt trăng mới đến. Hay người có tiến sĩ kinh tế hoàn toàn không thể nói đến một kế hoạch phát triển nông thôn nghe lọt tai. Điều gì đã xảy ra với kiến thức của các vị này?
Người ta thường nói đến thiếu cập nhật kiến thức. Điều này cũng đúng một phần. Tuy nhiên, trong thời đại Internet này, cập nhật kiến thức là chuyện không khó khăn lắm. Gặp vấn đề nào không hiểu, chỉ cần Google vài phút là bạn có ngay một lố bài vở để đọc và cập nhật kiến thức.
Bạn đang xem: Đọt Chuối Non
Điều thông thường nhất làm cho các quý vị trí thức thiếu kiến thức lầ một đầu óc hạn hẹp, nhiều thành kiến, không rộng mở, nhìn bất kì vấn đề gì trong xã hội cũng nhìn qua một ống thổi lửa nhỏ xíu, cho nên chẳng thấy gì được. (Ống thổi lửa là một ống tre, đường kính chừng 3cm và dài chừng 3 tấc, người ở quê nấu bếp than hay bếp củi dùng để thổi lửa).
Dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng biết mở rộng đầu óc thì mình thông thái, đầu óc hạn hẹp thì mình ngu dôt. Ai cũng biết điều này, tại sao các quý vị trí thức cao lại không biết?
Đương nhiên là quý vị trí thức biết quy luật “Đầu óc hạn hẹp làm mình ngu dốt”, ngoại trừ rất nhiều vị không biết là chính đầu óc họ bị hạn hẹp. Họ cứ tưởng là đầu óc họ rất rộng mở. Đó là vấn đề của rất nhiều người trên thế giới, trí thức hay không trí thức đều như nhau. Chỉ ông hàng xóm có vấn đề, chính ta thì chẳng có vấn đề gì cả.
Cho nên, các bạn, dù là bạn nghĩ là đầu óc bạn rộng mở đến thế nào, hãy xem lại đầu óc của bạn một cách thật khách quan và thành thật, để bạn có thể giúp được cái đầu của mình.
Hãy quan sát một chuyên viên kinh tế làm kế hoạch phát triển nông nghiêp cho một vùng quê: Chuyên viên này dùng các dữ kiện kinh tế như là số nông dân, diện tích trồng trọt, dân đang trồng gì, đất đai có thể trồng gì có lợi tức cao hơn cho nông dân, mỗi hecta đất có thể mang lại lợi tức bao nhiêu một năm với từng loại sản phẩm… như vậy dân chúng trồng các sản phẩm này trong một năm sẽ thu hoạch được bao nhiêu lợi tức… đại khái là như thế.
Kế hoạch này thiếu rất nhiều yếu tố:
1. Dân chúng vùng đó có thích trồng các loại cây mới hay không?
2. Dân chúng vùng này có nghĩ là các loại cây mới này thực sự có hiệu năng cao không?
3. Có những yếu tố tôn giáo hay văn hóa nào làm dân chúng không muốn đổi cách trồng trọt hay không?
Xem thêm : Top 5 blog du lịch nổi tiếng ở Việt Nam
4. Dân chúng nói điều gì cần nhất cho họ? Trường học? Trạm y tế? Hay trồng cây mới lợi tức cao hơn?
Chúng ta có thể thấy rất rõ ràng là nếu chỉ một trong những lý do kể trên làm dân chúng trong vùng không thích đổi cách trồng trọt, thì mọi kế hoạch phát triển nông thôn dính líu đến thay đổi cách trồng trọt sẽ thất bại. Cho nên, ta luôn luôn phải lấy ý kiến và mong muốn của dân làm chủ đạo trong việc định kế hoạch, thì kế hoạch mới có khả năng thành đạt cao.
Nhưng nhiều quý vị quan chức với bằng cấp cao vẫn không thấy được điều đó vì họ: Tin rằng dân chúng thất học chẳng biết gì; quan chức là phụ mẫu chi dân, có học hành bằng cấp chức vụ cao, biết được điều gì tốt cho dân; cứ làm kế hoạch thông thái của mình rồi vận động và ép dân làm theo kế hoạch thì đương nhiên là kế hoạch sẽ thành công. Đó là thành kiến.
Khỏi phải nói, đây là thái độ rất thiếu thông minh. Rất tiếc là nó có thật hơi nhiều.
Vậy ống thổi lửa là gì ở đây? Thưa, là thái độ “dân chúng dốt nát chẳng biết gì”. Khi bạn có thái độ đó, tự nhiên bạn sẽ không muốn tốn thời giờ vàng ngọc của bạn để nói chuyện và bàn kế hoạch với dân, nhất là có đến cả 20 nghìn dân trong vùng chứ không phải 20 người. Dành thời giờ quý hóa để vạch kế hoạch, trong văn phòng.
Lấy ví dụ quan chức nhà nước vì các ví dụ kế hoạch tồi do không quan tâm đến ý kiến và mong ước của dân xảy ra rất thường xuyên trên báo chí, các bạn có thể hiểu rất nhanh. Nhưng không chỉ quan chức có vấn đề. Bất kì ai cũng có thể có vấn đề-giáo sư, giáo viên, lãnh đạo công ty, nhà văn, nhà báo, mỗi người chúng ta…
Quy luật là, thái độ của ta về cuộc đời với quá nhiều thành kiến sẽ làm cho đầu óc của ta bị hạn hẹp, và do đó thành ngu dốt.
Nếu bạn coi thường một nhóm người nào đó trong lòng (như Êđê, Jrai, Hồi giáo, Công giáo, trung kỳ, bắc kỳ, Mỹ, Trung quốc, Đức…), kiến thức của bạn về nhóm người đó đúng 1 sai 10.
Nếu bạn có thành kiến với chủ nghĩa nào, kiến thức của bạn về chủ nghĩa đó và những người thích chủ nghĩa đó đúng 1 sai 10.
Nếu bạn có yêu một chủ nghĩa và chống lại các chủ nghĩa khác nó, kiến thức của bạn về MỌI chủ nghĩa chỉ là đúng 1 sai 10.
Nếu bạn có thành kiến với tôn giáo nào, kiến thức của bạn về tôn giáo đó và người thuộc tôn giáo đó đúng 1 sai 10.
Xem thêm : Hướng dẫn làm blogger, nghề viết blog kiếm tiền từ A-Z
Nếu bạn thích một lại thời trang và ghét các lọai thời trang khác, kiến thức của bạn về mọi loại thời trang và mọi loại người đúng 1 sai 10.
Nếu bạn thích một loại thực phẩm và ghét các loại thực phẩn khác, kiến thức của bạn về mọi loại thực phẩm và mọi người đúng 1 sai 10.
…
Đại khái là như thế. Bất kì một thành kiến nào trong tâm của bạn cũng làm cho đầu óc của bạn trở thành hạn hẹp hơn. Càng nhiều thành kiến, ống thổi lửa của bạn càng dày, càng dài, và khoảng trống bên trong càng nhỏ. Giản dị vậy thôi.
Cho nên, nếu bạn có quá nhiều thành kiến trong đầu mà không tập cách sống không thành kiến, thì dù bạn có lấy vài tiến sĩ bạn cũng chỉ có thể đóng góp thêm vào cái lò dốt của xã hội. Đó là điều chắc chắn hơn 100%.
Đầu óc chúng ta là một căn nhà. Mỗi cánh cửa đóng kín là một loại thành kiến. Hãy mở toang tất cả mọi cánh cửa, hãy dẹp bó tất cả thành kiến trong đầu, thì ánh sáng trí tuệ sẽ tự nhiên tràn ngập căn nhà trí tuệ của bạn.
Trí tuệ đến không đến nhờ bạn học nhiều đọc nhiều, mà nhờ đầu óc bạn mở toang để ánh sáng trí tuệ tràn vào.
Đừng quên điều đó. Chúc các bạn một ngày đầy trí tuệ.
Mến,
Hoành
© copyright 2011 Trần Đình Hoành Permitted for non-commercial usewww.dotchuoinon.com
Nguồn: https://ppe.edu.vn
Danh mục: Blog